Tổn thương sau chấn thương, vận động quá mức hay gặp nhưng nhiều trường hợp vẫn bị tổn thương gân sau những hoạt động tưởng như bình thường, do cấu trúc gân, dây chằng bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa hay vi chấn thương do hoạt động lặp đi lặp lại. Những loại chấn thương này thường dẫn đến viêm và thoái hóa hoặc làm suy yếu các gân, cuối cùng có thể dẫn đến rách hoặc đứt gân.
Hầu hết các thuốc điều trị hiện tại như giảm đau, kháng viêm,… đều hướng đến giải quyết các triệu chứng, không tác dụng trực tiếp đến quá trình tái tạo gân thực sự, do đó mặc dù đa số (90-95%) người bệnh đáp ứng với điều trị nhưng tỉ lệ tái lại phát rất cao.
Cần hiểu rõ vai trò, cấu tạo và sinh lý phục hồi của gân, dây chằng:
1, Cấu tạo của gân
Gân được tạo thành từ các bó sợi collagen song song (chủ yếu type 1) được liên kết chặt chẽ với nhau
Các bó sợi collagen type 1 mang đến sức mạnh và độ đàn hồi cho gân, giúp gân chịu được sức căng và truyền lực từ cơ tới xương. Trong khi glucosaminglycan và proteoglycan ảnh hưởng trực tiếp đến đường kính các sợi collagen do đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng cơ học của collagen như độ đàn hồi, độ bền, dẻo dai… Ngoài ra sự tương tác này có vai trò quan trọng trong hồi phục các sợi collagen về vị trí ban đầu của chúng sau khi áp lực trên gân được giải phóng, do đó là thành phần vô cùng quan trọng trong cấu trúc gân và dây chằng
2, Quá trình phục hồi gân bị tổn thương – lâu dài và khó hồi phục 100%
Gân, dây chằng là một bộ phận nhạy cảm với tổn thương. Tổn thương thì dễ nhưng hồi phục thì khó. Đặc biệt gân và dây chằng có rất ít mạch máu nuôi dưỡng nên quá trình trao đổi chất và tái tạo mất rất nhiều thời gian. Do đó quá trình điều trị và phục hồi gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi sự kiên nhẫn của người bệnh. Khi gân bị tổn thương, quá trình phục hồi bao gồm 3 giai đoạn:
Pha viêm(1-7 ngày):sinh tổng hợp collagen type III (không hoàn toàn phù hợp với cấu trúc gân) ít có ý nghĩa
Pha tăng sinh (7-21 ngày): sinh tổng hợp collagen type III và các chất nền ngoài tế bào khác như proteoglycan
Pha sửa chữa (3 tuần- 1 năm): sinh tổng hợp collagen type III, glucosaminglycan, sinh tổng hợp collagen type I là nguyên liệu chính cho quá trình phục hồi gân thực sự. Mô sửa chữa chuyển dạng thành mô sợi sau khoảng 10 tuần, sau đó chuyển dạng thành mô gân giống sẹo trong vòng 1 năm, tăng liên kết cộng trị giữa các collagen, hình thành mô được sửa chữa với độ cứng và độ mạnh tăng lên.
3, Giải pháp bổ sung dinh dưỡng cho sức khỏe và sự phục hồi gân
Do quá trình phục hồi tổn thương gân kéo dài và gặp nhiều khó khăn nên cần thiết phải phối hợp nhiều biện pháp để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trong đó cung cấp các chất thiết yếu là thành phần cấu tạo nên gân, dây chằng như collagen type 1, mucopolysaccharide, vitamin C là một trong các yếu tố quan trọng. Người bệnh có thể dùng các thực phẩm giàu collagen type 1 như cá hồi, cá tuyết, da, xương, bắp bò, lòng trắng trứng… tuy nhiên tỉ lệ hấp thu từ thực phẩm là tương đối nhỏ và không ổn định. Bằng cách bổ sung trực tiếp các chất này dưới dạng viên uống đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong quá trình điều trị các bệnh lý gân thông qua nhiều nghiên cứu khoa học.
Theo một nghiên cứu tại Tây Ban Nha nhằm đánh giá hiệu quả của 3 biện pháp can thiệp khác nhau ở bệnh nhân tổn thương gân Achilles bao gồm sự kết hợp của 435 mg mucopolysaccharide, 75 mg collagen type I và 60 mg vitamin C 3 lần/ngày với bài tập EC hoặc PS so với vật lý trị liệu đơn thuần. Kết quả cho thấy có sự cải thiện đáng kể về điểm số trên thang đo mức độ đau khi nghỉ ngơi và đau khi vận động ở cả 3 nhóm điều trị sau 6 và 12 tuần so với thời điểm ban đầu. Việc bổ sung mucopolysaccharid, collagen type 1 và vitamin C mang lại lợi ích rõ rệt khi kết hợp với vật lý trị liệu. Đặc biệt rõ ràng ở giai đoạn đầu của bệnh khi gân chưa có thay đổi nghiêm trọng về chất nền ngoại bào và mạch máu.
(Theo “A 3-Arm Randomized Trial for Achilles Tendinopathy: Eccentric Training, Eccentric Training Plus a Dietary Supplement Containing Mucopolysaccharides, or Passive Stretching Plus a Dietary Supplement Containing Mucopolysaccharides” – Current Therapeutic Research 78 (2016) 1–7 )
Một nghiên cứu khác về hiệu quả và an toàn của mucopolysacaride, collagen type 1 và vitamin C được thực hiện trên 3 nhóm người mắc các bệnh lý gân achilles, gân bánh chè và viêm điểm bám gân lồi cầu xương cánh tay (tennis elbow) cũng được thực hiện từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 1 năm 2013 tại Tây Ban Nha. Kết quả nghiên cứu trên 98 người cho thấy cơn đau giảm đáng kể khi nghỉ ngơi và khi hoạt động đối với cả 3 nhóm bệnh. Kết quả được ghi nhận từ lần kiểm soát đầu tiên (ngày thứ 30 điều trị). Vào ngày kết thúc cuộc nghiên cứu (ngày 90) cường độ cơn đau khi nghỉ ngơi đã giảm 80% đối với nhóm gân achilles (AC), 71% đối với nhóm gân bánh chè (PA) và 91% đối với nhóm viêm điểm bám gân lồi cầu xương cánh tay (LE) so với ban đầu (P <.0,001), trong khi đau khi vận động đã giảm 82% cho nhóm AC, 73% cho nhóm PA và 81% cho nhóm LE (P <0,001).”
Ngoài ra còn ghi nhận sự cải thiện các hoạt động chức năng và đặc biệt giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau non-steroid trong quá trình điều trị.
( Theo “The efficacy and safety of oral mucopolysaccharide, type 1 collagen and vitamin C treatment in tendinopathy patients”- Apunts Med Esport. 2014;49(182):31−36 )
Quá trình điều trị và phục hồi của bệnh lý gân rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn, ngoài việc cần phối hợp nhiều phương pháp bao gồm tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, sử dụng thuốc và dinh dưỡng bổ sung,…phải cần có sự kiên trì tuân thủ trong suốt thời gian điều trị để đạt được kết quả tốt nhất và rút ngắn thời gian hồi phục cũng như giảm thiểu tái phát chấn thương sau này.
Ts.Bs Bùi Hải Bình – Khoa cơ xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai
Theo sức khỏe và đời sống – cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ y tế
Ý kiến của bạn