Chấn thương bong gân – dây chằng cổ chân là chấn thương rất phổ biến khi chơi thể thao và trong quá trình vận động sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng chấn thương này còn được gọi là chấn thương lật cổ chân hay ” lật sơ mi”. Bong gân khớp cổ chân là tình trạng các dây chằng xung quang khớp cổ chân bị giãn quá mức, có thể dẫn đến rách một phần hoặc rách toàn bộ dây chằng dưới tác động của lực chấn thương. Tuy nhiên chúng ta thường xem nhẹ tổn thương này, có rất nhiều trường hợp lật khớp cổ chân tái phát thường xuyên gây đau và yếu khớp kéo dài. Vì vậy cần biết cách điều trị và phục hồi kịp thời.
Có ba mức độ bong gân cổ chân:
- Độ 1 (nhẹ): dây chằng bị kéo giãn nhẹ, tổn thương ở mức độ vi thể trên các sợi xơ với biểu hiện sưng nề nhẹ quanh mắt cá chân.
- Độ 2 (trung bình): đứt một phần dây chằng với biểu hiện: sưng nề mức độ vừa phải quanh khớp cổ chân, cảm giác mất vững khớp cổ chân khi thăm khám.
- Độ 3 (nặng): đứt hoàn toàn dây chằng, biểu hiện sưng nề, bầm tím toàn bộ khớp cổ chân, khi thăm khám thấy khớp cổ chân mất vững rõ.
Phần lớn các trường hợp bong gân cổ chân chỉ gặp ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị hoặc tự chăm sóc tại nhà bằng cách chườm đá, nghỉ ngơi và phải hạn chế đi lại, có thể tham khảo các biện pháp xử lý và phục hồi sau đây:
Giai đoạn cấp tính: Thời gian 1-3 ngày kể từ khi chấn thương:
Mục tiêu: Giảm sưng, đau, tránh tái phát lại và có thể đi lại nhẹ nhàng
Thực hiện:
- Băng ổn định cổ chân bằng băng dính
- Đi với nạng nếu không chống chân đau được(trong vài ngày đầu)
- Chườm lạnh: dùng túi chườm lạnh hoặc khăn chườm 3-4 lần/ ngày, mỗi lần 15-20 phút
- Kê chân cao(hơn mặt phẳng tim, khi nằm).
Giai đoạn bán cấp: 1 – 1,5 tuần sau chấn thương
Mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát tình trạng sưng , đau. Tăng tầm vận động khớp thụ động với mức độ đau cho phép
Thực hiện:
- Tiếp tục chườm lạnh nếu còn sưng đau
- Massage bằng đầu ngón tay nhẹ nhàng
- Vật lý trị liệu: Kích thích điện, siêu âm trị liệu tại các phòng phục hồi vật lý trị liệo
Tập luyện:
Tập chủ động tầm vận động của cổ chân: Gập cổ, bàn chân, vận động ngửa ngoài bàn chân, xoay tròn – duỗi – xấp trong, tập viết chử cái trong không khí
Tập mạnh cơ: Tập gồng cổ chân, tập các ngón chân ghì xếp miếng vải lại, tập các ngón chân quắp lấy hòn bi, hoặc miếng giấy mỏng, đá tạ đứng 4 hướng
Tập thăng bằng: Đứng 2 chân trên ván thăng bằng
Kéo dãn: Tập tầm vận động cổ chân thụ động như co, duỗi. (không xoắn bẻ cổ bàn chân), kéo dãn nhẹ nhàng gân gót.
Giai đoạn tập luyện phục hồi: 2-3,5 tuần sau chấn thương
Mục tiêu: Tăng dần tầm độ khớp, tập nâng dần mạnh cơ, nâng dần giữ thăng bằng, làm quen dần với hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tập đi đứng chống chân đau bình thường.
Phương pháp tập:
Kéo dãn: Kéo dãn cơ mác, bụng chân, cơ dép cường độ tăng dần, di động khớp: gập , duỗi , ngửa, xoay ngoài
Tập chịu trọng lượng: Đứng trên gót chân, nhón ngón chân, tập bước lên xuống bậc thang (20cm) 10 phút x 3 lần, đứng nhún 2 gối nhẹ
Tập giữ thăng bằng(chịu dần trọng lượng): Đứng trên ván bấp bênh 2 tập đến 1 chân, đứng 1 chân trên nền đất, phối hợp bắt giữ và ném banh
Chú ý: Tiếp tục ngăn ngừa sưng đau nhất là sau tập luyện và sử dụng băng keo dính, nẹp nâng đở cổ chân khi tập luyện thể thao nhằm tránh tái chấn thương
Phòng ngừa bong gân và tránh tái phát
- Khởi động thật kỹ trước khi chơi thể thao hoặc thực hiện các hoạt động thể lực khác.
- Đi giày thể thao đúng chủng loại, dúng kích cỡ
- Cẩn thận khi bước, chạy hoặc nhảy trên nền mấp mô.
- Giảm hoặc dừng chơi thể thao khi xảy ra tình trạng đau khớp cổ chân.
- Bổ sung dinh dưỡng cho gân, dây chằng để tăng cường độ dẻo dai và hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương nhanh hơn.
Cần tránh bong gân tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến bong gân mạn tính. Nếu bị bong gân một lần, các dây chằng không được phục hồi hoàn toàn thì sẽ xảy ra bong gân tái diễn nhiều lần. Nếu tình trạng đau kéo dài trên 4 – 6 tuần được gọi là bong gân mạn tính. Cần tránh các hoạt động có xu hướng làm bong gân mạn tính nặng lên như: bước đi trên nền đất mấp mô, chơi các môn thể thao làm cho cổ chân dễ bị vặn xoắn.
Bổ sung dinh dưỡng cho gân, dây chằng là một trong những biện pháp đang được quan tâm, giúp hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi tổn thương gân, dây chằng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung collagen typ 1, mucopolysaccharid – những thành phần chính trong cấu tạo của gân, dây chằng giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi tổn thương và hỗ trợ quá trình điều trị các bệnh lý gân, dây chằng cũng như cải thiện vận động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt hơn.
Lưu ý: Nếu tình trạng bong gân cổ chân ở mức độ vừa và nặng thì bắt buộc phải đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến của bạn